Làm sao mua được bản quyền những quyển sách cần mua để bảo đảm số đầu sách xuất bản không bị giảm nhiều và giá sách không bị đẩy lên quá cao là vấn đề cần đặt ra và giải quyết.
Ông Nguyễn Trung An, cán bộ chịu trách nhiệm liên hệ mua bản quyền của Công ty Trí Việt, cho biết thật khó tìm ra địa chỉ chính xác để liên hệ mua bản quyền.
Mua ở đâu?
Trí Việt – đơn vị chủ yếu làm sách dịch, trong đó sách biên soạn, tổng hợp chiếm hơn một nửa – đang rơi vào tình trạng khó tìm đường đi dù trước đây cũng đã từng mua bản quyền của một số nước. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty, cho biết hiện nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên tạm thời phải ngưng làm loại sách này. Mặt khác, việc khai thác những tựa sách mới còn khó khăn nên công ty đang tìm cách liên hệ mua bản quyền những tựa sách bán chạy để tái bản.
Ông Trần Đình Việt, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, cho biết để mua bản quyền một cuốn sách cũng phải mất ít nhất một tháng. Trước đây, NXB Tổng hợp thường mua sách ngoại ngữ từ đại diện của NXB Oxford nhưng hiện tại rất ít các NXB nước ngoài có đại diện tại Việt Nam nên sẽ rất khó để liên hệ và có những mối quan hệ lâu dài. Vì vậy, trước mắt để bảo đảm đầu vào của sách dịch, ngoài việc tổ chức các bộ phận chuyên môn làm công việc này, NXB Tổng hợp cũng tham khảo từ phía các dịch vụ bản quyền, nếu thấy thuận lợi sẽ hợp tác.
Sách dịch chiếm một con số khá lớn của NXB Trẻ vì thế NXB này đã ý thức được vấn đề và đi trước một bước bằng cách thành lập Ban Giao dịch tác quyền từ một năm nay. Nhưng số tựa sách được mua bản quyền cũng chỉ chiếm một nửa số sách dịch được xuất bản trong thời gian gần đây. Có thể nói, NXB Trẻ là NXB có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực mua bản quyền. “Tuy vậy, để bảo đảm giữ vững số đầu sách xuất bản mỗi năm là điều không thể làm ngay” – bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ, nói.
Các trung tâm dịch vụ bản quyền ra đời
Trong khi chưa có sự hướng dẫn, trợ giúp cụ thể từ phía các cơ quan có chức năng, Công ty Văn hóa Phương Nam và Công ty Vietbooks tỏ ra khá nhạy bén trước vấn đề này bằng cách ra mắt các trung tâm không chỉ khai thác mà còn làm các dịch vụ liên quan đến vấn đề bản quyền.
Trung tâm Sách và dịch vụ bản quyền (Công ty Văn hóa Phương Nam) được nâng cấp từ Phòng Xuất bản – Phát hành đã ra mắt tại TPHCM vào ngày 15-10. Bên cạnh việc triển khai liên kết xuất bản trong và ngoài nước, trung tâm còn có một chức năng mới là xúc tiến các dịch vụ bản quyền bao gồm việc mua bán, chuyển nhượng, ủy thác giao dịch, bảo vệ bản quyền cho các tác giả Việt Nam ở nước ngoài. Dự kiến, vào năm 2005, Phương Nam sẽ mở các trung tâm phát hành tại châu Âu và Bắc Mỹ nhằm mở rộng giao dịch bản quyền và bảo vệ các tác giả là khách hàng của công ty có tác phẩm được sử dụng ở nước ngoài mà không xin phép. Ông Trần Thức, Giám đốc Trung tâm và Dịch vụ bản quyền (Công ty Văn hóa Phương Nam) cho biết, các đối tác trong và ngoài nước làm việc với Phương Nam đều có những hợp đồng, cam kết riêng chứ không có một khung chung cho tất cả. Trong buổi ra mắt, trung tâm đã ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền với các tác giả: Bà Tùng Long, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đông Thức.
Riêng Trung tâm Khai thác bản quyền của Công ty Vietbooks dù đã ra đời 7 năm nhưng nay mới có cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động. Với chức năng mới là khai thác dịch vụ bản quyền, trung tâm sẽ tập trung đầu tư khai thác, biến các ý tưởng thành tác phẩm và thực hiện việc chuyển giao bản quyền. Nhưng để bảo đảm việc phát triển thành công ý tưởng và được thị trường chấp nhận cũng không phải là điều đơn giản.
Sự ra đời của hai trung tâm này, trước mắt cũng chưa thể giải quyết được tình trạng khó khăn từ đầu vào của các NXB đối với sách có bản quyền nước ngoài.
–
Ông Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Sách và dịch vụ bản quyền (Công ty Văn hóa Phương Nam):
Sách dịch sẽ có biến động về giá cả
Việc mua bản quyền phụ thuộc vào khả năng đàm phán của cả hai bên. Hai bên thỏa thuận, ký kết với mức giá bao nhiêu, gồm những điều khoản, cam kết như thế nào là chuyện bí mật. Trước đây, với những tác phẩm không phải mua bản quyền thì việc định giá sách đơn giản hơn nhiều. Nay tất cả các tác phẩm đều phải mua bản quyền thì tất nhiên sẽ có sự biến động về giá cả. Nếu khéo thương lượng mà mua được giá rẻ thì giá sách sẽ tăng không đáng kể. Nếu đó là một tác phẩm có giá trị mà phía đối tác yêu cầu mức giá cao thì chúng tôi cũng sẽ đầu tư để mua bản quyền. Tuy nhiên, giá sách vẫn là do thị trường điều tiết, nếu mức giá quá cao thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ không chấp nhận. Vì vậy, chúng tôi cũng phải biết cân đối và có sự tính toán lâu dài.
Ông Lê Trần Tường An, Tổng Giám đốc Công ty Vietbooks:
Ngành xuất bản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt
Mới đây, một công ty đầu tư bản quyền ở Singapore đã sang nghiên cứu thị trường sách Việt Nam với mục đích tìm kiếm những nguồn sách hay để mua bản quyền. Theo sự đánh giá của đơn vị này, việc xuất khẩu sách của Việt Nam còn quá kém và họ dự định làm việc với các NXB hoặc các tác giả Việt Nam để mua bản quyền những tác phẩm đạt yêu cầu để dịch và xuất sang một số nước. Loại sách mà họ hướng tới là các sách về lịch sử, chính trị, du lịch, địa lý tự nhiên, ẩm thực, ca dao, truyện cười… Sắp tới, khi các NXB nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam thì khả năng họ mua bản quyền tác phẩm của các tác giả trong nước để xuất bản là điều có thể. Như vậy, các NXB cùng các đơn vị làm sách trong nước sẽ có sự cạnh tranh trong vấn đề mua bản quyền các tác phẩm của các tác giả trong nước với các NXB và các đơn vị làm sách ở nước ngoài.
Cũng theo công ty này, sách dịch ở Việt Nam tuy nhiều nhưng còn thiếu các loại sách về khoa học kỹ thuật, kinh tế… Họ đã có kế hoạch tự dịch một số sách từ nước họ sang tiếng Việt và bán tại thị trường Việt Nam mà không cần thông qua NXB nào. Như vậy, ngành xuất bản Việt Nam sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị xuất bản nước ngoài.
Tóm tắt nội dung Công ước Berne
Công ước Berne là công ước bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được ký kết tại Berne, Thụy Sĩ vào năm 1886.
Tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu, các quyền được bảo hộ
Về các tác phẩm: Sự bảo hộ bao gồm mọi tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được định hình dưới một dạng vật chất nhất định, không phân biệt hình thức và cách thức thể hiện.
Về các quyền được bảo hộ: Tùy thuộc vào các giới hạn, hạn chế và ngoại lệ cụ thể cho phép, các quyền sau đây phải được công nhận là các quyền độc quyền cho phép: Quyền dịch thuật. Quyền thực hiện phóng tác và chuyến thể tác phẩm. Quyền trình diễn công cộng tác phẩm kịch, nhạc kịch và âm nhạc. Quyền trần thuật công cộng tác phẩm văn học. Quyền truyền thông công cộng trình diễn các tác phẩm. Quyền phát sóng (với khả năng là quốc gia thành viên chỉ quy định quyền trả thù lao phù hợp thay vì qưyền cho phép). Quyền làm bản sao bằng bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào…
Về thời hạn bảo hộ
Nguyên tắc chung là bảo hộ trong suốt thời gian của cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Tuy nhiên, có những ngoại lệ như đối với các tác phẩm điện ảnh, thời hạn bảo hộ là 50 năm tính từ khi tác phẩm được công bố hoặc từ khi tác phẩm được sáng tạo nếu tác phẩm chưa được công bố. Đối với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và các tác phẩm nhiếp ảnh, thời hạn bảo hộ tối thiểu là 25 năm kể từ khi tác phẩm được sáng tạo.
(Nguồn: Các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập của Cục Sở hữu Công nghiệp VN và Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang Thụy Sĩ)
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Bản quyền Ngoại hạng Anh: Facebook sẽ không chiếu trực tiếp ở Việt Nam? – Kinh doanh – ZINGNEWS.VN
- Các ứng dụng theo dõi thai kỳ và em bé tốt nhất cho các bà mẹ tương lai Ứng dụng
- Phải chơi game thì mới biết được những lợi ích này
- 7 cách sửa lỗi friend.com.vn is missing trên máy tính Windows đơn giản
- Cách dùng LastPass quản lý mật khẩu chuyên nghiệp – QuanTriMang.com