Đánh giá phần mềm học tiếng Anh Rosetta Stone • Kiến càng

Cách đây khoảng một năm, khi thấy trình độ tiếng Anh quá kém, không đủ để đọc hiểu tài liệu, nói thì bập bẹ, nói thẳng ra là chẳng dám nói vì biết sai be sai bét…và thế là mình quyết định làm quả đầu tư lớn, đó là mua phần mềm học tiếng Anh.

Dò dẫm mãi, rồi mình cũng quyết mua phần mềm Rosetta Stone, được đánh giá chung khá tốt, công ty cũng thuộc dạng lâu năm có máu mặt trong ngành nên càng yên tâm. Giá thì chả rẻ tí nào: 199 đô ~ cỡ khoảng 5.4 triệu đồng.

Nhiều bạn chắc bảo mình chơi trội thế, phần mềm crack có mà, sao phải đi mua.

Ô la la, chẳng phải là mình chỉ toàn mua phần mềm từ trước đến nay đâu, mình cũng từng xài chùa chứ. Nhưng khi ấy còn nghèo quá là một, thứ nữa, khi mình mua cái gì đó, trách nhiệm của mình cao hơn. Xài chùa chắc chỉ học được một hai bài à, như đầy phần mềm mình từng xài chùa, mua thì khác: học ngay, học luôn. Mà đúng thế thật.

Màn mào đầu thế thôi nhỉ. Giờ vào phần chính là đánh giá chương trình.

Phần mềm có hai dạng:

  • Học online: 199 đô trong 24 tháng, học trên mọi thiết bị
  • Tải phần mềm về học: cũng giá ấy nhưng sở hữu luôn, không bị giới hạn thời gian, học trên máy tính cá nhân (desktop hoặc laptop)

Vì mình e chương trình quá dài nên chọn tải phần mềm về học cho chắc, có thể học lâu hơn. Tuy nhiên sau khi tải về thì thấy nó cũng không quá dài, hoàn toàn có thể học hết trong 6 tháng đến 1 năm được. Tuy nhiên nếu đường truyền internet không ổn định bạn vẫn nên chọn phần mềm.

Cài cũng đơn giản lắm, đúng là mua, thao tác cứ dễ như bỡn, crack thì khổ sở liền. Phần mềm có cả cho hệ điều hành Mac lẫn Windows.

Rossetta Stone chia ra làm 20 bài học, với 5 level, tức là cứ 4 bài tương ứng 1 level. Hiện tớ học đến bài 11, đang ở level 3.

Bạn sẽ mất khoảng 4 – 8 tiếng để học một bài tuỳ tốc độ từng người. Tức là hoàn thành khoá này trung bình bạn cần khoảng 100 tiếng, kể ra thì không nhiều đâu, vấn đề là cần đều đặn, mỗi ngày 30 phút cũng được, nhưng cố ngày nào cũng học nhé…Đợt bé nhà mình sinh, rồi việc này việc nọ, mình bị gián đoạn khoảng 9 tháng, giờ thì lại OK rồi! Bắt đầu nào.

Core Lesson

rosetta-stone-core-lesson

Khi mới vào bài bạn sẽ được đưa đến khu vực gọi là Core Lesson – tức là phần chính của bài, phần này cũng là phần dài nhất và sẽ làm tiền đề cho các bài tập về sau.

Bao gồm:

  • 33 bài tập
  • Sử dụng hình ảnh minh hoạ rõ nét
  • Không có video
  • Được luyện nghe, phát âm khá nhiều

Như vừa nói bạn sẽ thấy các bài tập sau dựa trên phần bài tập lõi này, vừa ôn tập lặp lại, và có cả phần mở rộng, nội dung mới.

Một sự tiến bộ mà mình cảm thấy đáng ghi nhận đó là khả năng nghe và nói tốt lên khá nhiều, đặc biệt là nói. Lý do nằm ở chỗ, Rosetta Stone cho mình luyện nói nhiều và nó có công nghệ nhận dạng giọng nói để đánh giá tự động xem mình đã phát âm chuẩn chưa, nói chung công nghệ này vận hành khá tốt, và thực sự có ích, tuy rằng đôi khi cũng làm mình dở khóc dở cười vì nói mãi mà không cho qua!

Mỗi bài sẽ có 5 Core Lesson, 20 bài có 100 Core Lesson tất cả và giữa các Core Lesson sẽ có các bài tập củng cố, số lượng bài tập giữa các Core Lesson sẽ tăng dần về cuối, Core 4 và Core 5 cuối mỗi bài có rất nhiều bài tập, sở dĩ vậy là vì nó tích luỹ kiến thức của các Core Lesson trước lại nữa.

Nghe, nói, đọc hiểu, viết, ngữ pháp, từ vựng, review

A. Nghe

rosetta-stone-listening

Bạn sẽ được nghe (dĩ nhiên không có chữ) rồi quyết định nó đang đề cập đến bức ảnh nào.

Bạn lưu ý là phần này liên quan đến Core Lesson và lấy nội dung từ đó nên việc nghe của bạn sẽ không khó, thử tưởng tượng nếu họ nói cái gì đó hoàn toàn mới, sẽ rất khó phải không?

Bạn nhấn vào nút màu xanh để nghe lại nhiều lần nếu muốn. Mình thích phần luyện nghe này và làm khá tốt. Thực tế bạn không cần nghe chính xác 100% mới chọn đúng được bức hình.

Điểm cộng ở phần này của phần mềm Rosetta Stone là âm thanh trong, nghe rõ, để âm lượng lớn cũng không bị rè, điều này giúp bạn nghe chính xác trọng âm của câu và từ, nhấn nhá. Ngoài ra câu được nói chậm hơn giao tiếp bình thường một chút làm cho câu nghe vẫn đủ tự nhiên đồng thời lại không quá khó.

B. Nói

rosetta-stone-speaking

Bạn sẽ được nghe mẫu sau đó lặp lại. Tất nhiên khi sử dụng phần mềm này bạn cần có mic để thu âm thanh. Nếu dùng máy Mac bạn có thể không cần mua thêm tai nghe có mic, vì máy Mac có sẵn mic rồi.

Phần mềm sẽ đánh giá khả năng phát âm của bạn rồi quyết định bạn đã đạt hay chưa, lúc mới đầu sẽ khá khó khăn để qua, nhất là những câu dài, khoảng vài ngày bạn sẽ nói tốt và thấy dễ dàng hơn.

Phần âm thanh của phần mềm Rosetta Stone rất tốt, tiếng trong nên bạn sẽ nghe rất rõ câu nào được nhấn ở chỗ nào (s, t, ch, k…), ngữ điệu, từ nào hay bị bỏ qua.

Đôi khi bạn tự tin nói chuẩn nhưng chương trình mãi không cho qua, biết làm sao được, lại nói lại thôi. Có lần mình cần nói đến 10 lần mới được qua!

Khi bạn cảm thấy khó nói câu nào đó, hãy nhấn vào biểu tượng sóng âm thanh để nghe lại thật kỹ, bạn sẽ được nghe chậm, vừa hoặc bình thường, tuỳ bạn lựa chọn, rồi bạn cũng được nghe lại câu mình nói để tiện so sánh xem đã nói khớp với người ta không.

Phần nghe này có hai kiểu, kiểu thứ nhất là bạn vừa được nghe vừa thấy chữ để rồi nói lại. Kiểu thứ hai là bạn chỉ nghe thôi chứ không thấy chứ. Dĩ nhiên kiểu hai có khó hơn chút.

C. Đọc hiểu

rosetta-stone-reading

Bạn sẽ thấy đoạn văn bản, bạn cần đọc và hiểu nó mô tả về cái gì sau đó sẽ chọn bức hình tương ứng. Phần này cũng thường không khó.

Thực tế là chúng mình sẽ được nghe rất nhiều, sau khi bạn chọn đúng các bức hình, nếu muốn bạn có thể nghe đoạn âm thanh tương ứng với văn bản. Hãy tận dụng tính năng này nếu bạn cần nghe nhiều hơn.

D. Viết

rosetta-stone-writing

Trời ạ, đây là phần mình không ưa thích lắm! Ờ nhưng như người ta nói, cái phần bạn ghét bao giờ cũng có nhiều cái quan trọng hơn để nói đấy!

Thực tình thì bạn sẽ thấy phần này khó vì nhiều yếu tố:

  • Bàn phím bất tiện: bạn không được gõ phím đâu ạ, mà là bàn phím ảo, trời ạ, mất thời gian thậm tệ, bạn phải dùng chuột click vào từng chữ cái mới mệt chứ! Một điểm trừ cho chương trình của Rosetta Stone
  • Nó là dạng bài luyện nghe nâng cao: đúng không nào, bạn phải nghe chính xác rồi phải viết chính xác những gì nghe được (chính xác 100% bao gồm cả dấu câu!), khó hơn bài luyện nghe của phần mềm này mấy lần

E. Ngữ pháp

rosetta-stone-grammar

Vì ngữ pháp mình không giỏi nên mỗi lần làm bài này mình thường chú ý hơn. Rosetta Stone làm khá khéo ở phần này, vẫn là lựa chọn hình ảnh thôi nhưng họ sẽ làm nổi bật màu sắc ở phần văn bản để mình chú ý ngữ pháp ở phần đó, rồi các phần đối lập sẽ cùng xuất hiện trong bài, chẳng hạn về số ít số nhiều, họ sẽ đưa cả vào bài để mình nhìn thấy toàn cảnh, nếu liên quan đến đại từ nhân xưng họ sẽ đưa cả I, we, she, he, it, they…vào để mình phân biệt cái nào nên dùng và ở chỗ nào thì hợp.

rosetta-stone-dien-vao-o-trong-bai-tap-grammar

Sau phần đó là phần chọn từ đúng, như ở ví dụ trên. Bạn sẽ chọn on hay at?

Phần này khá hay và sẽ hay làm bạn nhầm lẫn!

F. Từ vựng

rosetta-stone-vocabulary

Phần này giống phần luyện nghe và đọc hiểu kết hợp, vì bạn sẽ được nghe cả âm thanh và đọc văn bản rồi chọn hình. Rosetta Stone không dạy bạn các từ đơn, vẫn là cả câu với cảnh tương ứng, điều này chắc chắn là hiệu quả hơn rồi, vì bạn sẽ được học và ôn tập nhiều từ vựng cùng lúc mà không phải gượng ép.

G. Review

Đúng như tên gọi, phần này là phần ôn tập – xem lại, nó giống như Core Lesson thu nhỏ, với sự hoà trộn của nghe nói đọc viết. Ở mỗi bài, bạn học xong Core Lesson 3 mới có phần Review.

H. Milestone

rosetta-stone-milestone

Cuối mỗi bài bạn sẽ được học phần Milestone, bạn sẽ thấy khá lạ, vì mỗi bài chỉ có một Milestone thôi và nội dung của nó cũng không giống nghe nói đọc viết thông thường.

Milestone là nỗ lực của Rosseta Stone giúp chúng ta tạo phản ứng giao tiếp. Sẽ có một hoạt cảnh tình huống thống nhất khoảng 30 bức ảnh, ở đó sẽ có các đoạn giao tiếp mà bạn phải nói khớp tương ứng.

Nếu phần luyện nói là người ta đọc cho bạn nghe rồi bạn nói lại, ở phần này bạn sắm vai giao tiếp chứ không phải lặp lại nữa.

Điểm mạnh là vậy, nhưng điểm yếu là nó khá đơn điệu vì bạn phải nói như định trước, nghĩa là đã có phần máy móc mất rồi, dù sao cũng chưa thể có cách khác, vì phần mềm chưa đủ công nghệ để hiểu điều bạn nói có nghĩa là gì?

Đến đây mới thấy, không ứng dụng nào tốt bằng giao tiếp ngoài đời – nó thực tế, sinh động và hiệu quả hơn, nhưng để có người nước ngoài nói chuyện hàng ngày với bạn đâu có dễ phải không nào? Hoặc bạn rất may mắn hoặc bạn có rất nhiều tiền mới có được điều kiện ấy. Còn công nghệ chưa đủ để tạo ra một đối tượng giao tiếp ảo có khả năng dạy bạn. Chắc về sau sẽ có, và dĩ nhiên việc học ngoại ngữ sẽ hiệu quả hơn bao giờ hết.

Tổng kết – Liệu Rosetta Stone có đáng đồng tiền bát gạo?

Bạn sẽ thấy Rosetta Stone tập trung phát triển kỹ năng ngôn ngữ theo hướng tự nhiên, họ cố gắng sinh động hoá hoạt động học ngoại ngữ thông qua âm thanh và hình ảnh chất lượng. Nếu như các chương trình học tiếng Anh thông thường tập trung khá nhiều vào ngữ pháp thì Rosetta Stone chủ yếu để ngữ pháp phát triển theo các kỹ năng kia, bài tập về ngữ pháp của họ tương đối đơn giản.

Điểm mạnh:

  • Chất lượng hình ảnh tốt
  • Chất lượng âm thanh tốt
  • Thiết kế và hoạt động chức năng như dự kiến đều tốt – không bị lỗi khi chạy
  • Công nghệ nhận dạng giọng nói
  • Bài tập theo chuẩn nghe, nói, đọc, viết
  • Cấu trúc bài thống nhất
  • Tập trung vào kỹ năng tự nhiên trong hoạt động ngôn ngữ trước đó là: nghe và nói

Điểm yếu:

  • Giá đắt
  • Phần bài tập viết phải dùng bàn phím ảo rất chuối
  • Cài bài không khó dần mà đều đều như nhau (mức chênh về độ khó có tăng nhưng không nhiều, cảm thấy không có thách thức)

Sẽ rất khó nói là điểm yếu của Rosetta Stone là chỉ dành cho người mới bắt đầu học ngoại ngữ chứ không dành cho người muốn nghe nói đọc viết thành thạo. Bởi vì không có phần mềm nào mình biết có khả năng ấy cả! Khi bạn muốn trở nên siêu bạn phải tự học – tự dạy mình thôi.

Làm một chương trình thế này có khó không?

Tớ thích làm một chương trình thế này cho tiếng Việt, và như tớ thấy các kỹ năng lập trình cho nó không khó, nhưng cần làm cho nó đẹp và mượt, chắc chắn sẽ phải dùng JavaScript và jQuery nhiều.

Điểm bất khả về mặt công nghệ để tái hiện là khả năng nhận dạng giọng nói.

Về hình ảnh, cần một máy ảnh. Tớ có con Canon rồi! Nói thêm là để tiết kiệm ảnh, Rosetta Stone vẫn hay dùng một ảnh vào nhiều tình huống khác nhau miễn là nó vẫn đạt – không bị gò ép.

Về âm thanh, cái mic kha khá là được. OK luôn.

Như vậy chúng ta dễ dàng suy ra phần khó nhất trong một bài giảng không phải bảng và phấn mà là nội dung và khung bài giảng đó.

Khi lên nội dung cho phần dạy tiếng Việt ta sẽ phải trả lời các câu hỏi:

  • Tiến trình của bài giảng theo thời gian sẽ như thế nào, độ khó tăng dần? Bài nào dạy trước?
  • Các bài sẽ liên kết với nhau thế nào?
  • Và tất nhiên: Nội dung cụ thể từng bài?

Originally posted 2021-09-20 06:28:11.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *