Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Lối nói phủ định “chẳng thơm” và “không thanh lịch” ấy lại hàm ý khẳng định một cách mạnh mẽ nhất, khúc chiết nhất hương sắc hoa nhài và sự thanh lịch của con người ở mảnh đất nhuộm màu mật ngọt, bên con sông Hồng đỏ nặng phù sa.

“Tràng An” – kinh đô xưa từ bao giờ đã trở thành biểu tượng cho nét đẹp kinh kỳ. Người Tràng An cũng chính là con người Thăng Long, Hà Nội – kinh đô thịnh vượng bậc nhất của nước ta ngày trước và bây giờ. Người Tràng An – Hà Nội và đóa hoa nhài dung dị nơi miền quê Việt có mối liên hệ gì chăng?

Chẳng phải tự nhiên mà người xưa dùng hương sắc của hoa nhài để ví von cho nét đẹp của người Hà Nội. Loài hoa dung dị sắc màu lại ngát hương về đêm kia đâu chỉ làm rung rinh bóng trăng, xao động màn đêm huyền diệu. Hương thơm dìu dịu mà ngan ngát ấy còn khiến bao trái tim phải lỗi nhịp, xốn xang khi may mắn được đắm mình trong ngọt ngào, đằm thắm.

Sắc nhài trắng muốt tinh khôi, hương nhài thanh khiết nồng nàn là món quà của tạo hóa. Còn sự thanh lịch của con người Hà Thành phải chăng cũng là một sự ưu ái của mảnh đất hội tụ nét đẹp văn hóa mọi vùng miền rồi hun đúc nên bản sắc riêng không thể lẫn vào đâu được?

Dòng chảy văn hóa ngàn đời lặn vào thanh sắc giọng nói, bừng nở nơi nụ cười ý tứ và tỏa rạng ở nếp ăn ở, nếp sống chỉn chu từ trong nhà ra ngõ.

Nếu một lần trót nghe thanh âm trong trẻo, ngọt mềm của người Hà Nội, hẳn là bạn sẽ chẳng bao giờ có thể quên giọng nói có sức quyến rũ đến lạ kỳ… Nếu một lần lỡ rơi vào ánh mắt, nụ cười của người Hà Nội, chắc chắn bạn sẽ chẳng thể rời mắt, khép lòng trước lối ứng xử lịch thiệp, ý nhị và sâu sắc hết mực…

n

Cô giáo dạy văn hồi cấp ba của tôi là người gốc Hà Nội. Giờ văn chợt hay đến lạ mỗi khi cô cất lên giọng đọc “chuẩn không cần chỉnh” với âm điệu du dương, trầm bổng như hát, như ru lũ học trò quê tha thẩn bước vào trang sách, quyến luyến từng câu chữ và tẩn mẩn khám phá từng lớp sóng ngôn từ. Rồi cô theo chồng sang nước ngoài định cư, để lại nỗi ngẩn ngơ cứ cuộn sóng mãi trong tâm hồn bọn trẻ lơ ngơ lớn, nhớ và thương cô vô vàn…

Bác họ của tôi là con gái Hà Nội khăn gói vào đất Huế làm dâu suốt mấy chục năm nay. Bác đẹp người đẹp nết, đảm đang lo toan công việc nhà chồng rồi nuôi dạy đàn con sắp cháu nên nết nên người. Sự nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói, sự lịch thiệp trong cư xử và sự đoan trang, dịu dàng trong tâm hồn như suối nguồn dạt dào chảy từ đời này sang đời sau, làm nên nếp nhà biết kính trên nhường dưới, thuận hòa hiếu thảo.

Nhờ bàn tay khéo léo của bác, thỉnh thoảng chúng tôi lại được thưởng thức món ngon Hà Nội và xuýt xoa mãi không thôi. Này là tô phở ngọt nước, thơm hương. Này là bịch sấu dầm chua chua, giòn giòn. Này là bát bún thang với hơn chục nguyên liệu hài hòa như một bức tranh. Này là xôi nóng bánh khúc bùi bùi với nhân đậu xanh thịt mỡ bọc trong bột nếp…

“Của để dành” mà bác tỉ mỉ, cần mẫn chắt chiu vun bồi nơi đàn cháu nhỏ hôm nay là lời dặn giữ gìn sự thanh cao, lịch thiệp trong tâm hồn. Dẫu cho thời cuộc có đổi thay thế nào, dòng đời có xô đẩy người ta xuôi ngược đi chăng nữa cũng phải gìn giữ nét thanh lịch trong đời sống tâm hồn!

Sắc hoa nhài mãi tinh khôi, hương hoa nhài muôn đời thơm ngát. Cùng với sự trường tồn của hương sắc tự nhiên, sự thanh lịch của người Hà Nội cần được lưu giữ, vun bồi thành dòng chảy truyền thống muôn đời!

Mong lắm thay…

‘Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…’ - ảnh 1

Tin liên quan

  • Hà Nội có thể gây thương nhớ mức nào…
  • Hà Nội, em và tôi
  • Có một Hà Nội chưa gặp đã thương, chưa xa đã nhớ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *