Dịch vụ lưu trữ đám mây tốt nhất năm 2020 (tổng hợp)
Dịch vụ lưu trữ đám mây tốt nhất năm 2020 (tổng hợp)
Bài viết này mình sẽ tổng hợp, phân tích đánh giá các dịch vụ lưu trữ đám mây tốt nhất 2020 cho nhu cầu lưu trữ cá nhân và doanh nghiệp.
Nói đến lưu trữ đám mây thường mọi người hay nhắc đến Dropbox, Google Drive và One Drive và mặc định coi đây là ba thương hiệu tốt nhất. Thế nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Bài viết này mình sẽ chia sẻ thông tin về một số dịch vụ lưu trữ trực tuyến tốt nhất 2020.
Bài viết được tổng hợp từ trải nghiệm của bản thân, từ đánh giá của các trang review uy tín và từ các thành viên trong Group Giá trị số.
Mục lục nội dung:
- Dịch vụ lưu trữ đám mây tốt nhất năm 2020
- Đặc điểm, tính năng các dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất
- 1. Sync.com
- 2. pCloud
- 3. Tresorit
- 4. Icedrive
- 5. OneDrive
- 6. Google Drive
- 7. MEGA
- 8. Koofr
- 9. Dropbox
- 10. Woelkli
- Câu hỏi thường gặp
- 1. Dịch vụ Lưu trữ Ảnh miễn phí tốt nhất
- 2. Dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất dành cho cá nhân
- 3. Dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất cho doanh nghiệp
- 4. Dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất cho iOS và Android
- 5. Dịch vụ Lưu trữ đám mây miễn phí tốt nhất
- 6. Thủ thuật vừa sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây có tính năng cộng tác file tốt vừa an toàn tuyệt đối:
- Kết luận
Dịch vụ lưu trữ đám mây tốt nhất năm 2020
Lưu trữ đám mây là cách người dùng internet upload các file và thư mục lên trên các máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ và lưu giữ tại đó. Đồng thời người dùng có quyền truy cập vào các file và thư mục này từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Phân biệt Lưu trữ đám mây và Sao lưu trực tuyến
Trước khi bắt đầu sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây, bạn cần hiểu rõ bản chất của dịch vụ này để không phải mất thời gian và tiền bạc một cách không cần thiết. Không ít người thường nhầm lẫn giữa hai dịch vụ Lưu trữ đám mây và Sao lưu trực tuyến.
Cả hai khái niệm này đều có ý nghĩa bảo vệ file dữ liệu và cho phép truy cập các file này từ xa.
Tuy nhiên, giữa hai khái niệm này có sự khác biệt đáng kể.
Sao lưu trực tuyến được sử dụng với mục đích bảo vệ dữ liệu, tránh các rủi ro xảy ra với dữ liệu (như cháy ổ cứng, hỏng máy tính, mất cấu hình cài đặt,…) và khắc phục các sự cố liên quan đến dữ liệu một cách nhanh chóng bằng cách tạo bản sao trực tuyến của dữ liệu đang có. Bạn có thể tạo bản sao của ổ cứng hay phân vùng ổ cứng có chứa dữ liệu hoặc hệ điều hành (tương tự như bạn tạo bản ghost online vậy).
Trong khi đó, lưu trữ đám mây thường dùng với mục đích upload các file, thư mục lên máy chủ trực tuyến để thuận tiện cho việc truy cập, sử dụng từ xa và hỗ trợ người dùng trong việc chia sẻ file/thư mục với người khác (ví dụ như trong cộng tác thiết kế đồ họa, cộng tác làm văn bản,..).
Do đó, bên cạnh chức năng lưu trữ, dịch vụ Lưu trữ đám mây có hai tính năng quan trọng khác, đó là tính năng chia sẻ file/thư mục với người khác và tính năng đồng bộ hóa file/thư mục trên nhiều thiết bị. Ngoài ra, một số dịch vụ Lưu trữ đám mây còn tích hợp trình xử lý văn bản, âm thanh, video và trình quản lý tác vụ giúp nâng cao hiệu suất làm việc.
Vì sao chúng ta nên sử dụng dịch vụ Lưu trữ đám mây?
Mọi người sử dụng các công cụ Lưu trữ đám mây vì nhiều lý do khác nhau, nhưng mục đích chính vẫn là lưu giữ file. Tuy các dịch vụ như Google Drive, Dropbox, OneDrive, Sync.com… có thể không phải là lựa chọn tối ưu để khôi phục dữ liệu khi có sự cố nhưng chúng là công cụ rất tốt để lưu trữ ngắn hạn các file mà bạn thường xuyên truy cập.
Trong Lưu trữ đám mây, bất kỳ file nào mà người dùng kéo, thả vào các thư mục đồng bộ sẽ được tự động upload lên đám mây. Do đó, bạn sẽ không phải lo lắng về thiếu dung lượng lưu trữ đối với các thiết bị (máy tính, smartphone) có bộ nhớ ít ỏi. Các thay đổi thực hiện trên một file ở một thiết bị nào đó sẽ được đồng bộ hóa lên các thiết bị khác và bạn có thể thấy ngay thay đổi đó từ xa, khiến cho việc Lưu trữ đám mây trở nên cực kỳ hữu ích khi làm việc online.
Các dịch vụ Lưu trữ đám mây thường có các ứng dụng di động cho Android và iOS. Nhờ đó, người dùng có thể truy cập, cập nhật thay đổi và upload các file trên thiết bị di động bất cứ lúc nào, để bảo vệ dữ liệu và giải phóng bộ nhớ điện thoại.
Chức năng thứ hai vô cùng quan trọng của Lưu trữ đám mây là chia sẻ file. Hầu hết các công cụ Lưu trữ đám mây đều cho phép bạn mời người dùng khác truy cập file của mình và tạo liên kết đến các file để chúng có thể được chia sẻ, sử dụng rộng rãi. Nhiều công cụ Lưu trữ đám mây cũng cho phép người dùng chia sẻ quyền truy cập thư mục, thậm chí cấp quyền chỉnh sửa và upload file lên thư mục.
Một số dịch vụ Lưu trữ đám mây còn tích hợp với các phần mềm và ứng dụng văn phòng phổ biến như Office Online, Google Docs, Trello, DocuHub và DocuSign,…
Lưu trữ đám mây có an toàn không?
Hầu hết các dịch vụ lưu trữ đám mây đều mã hóa dữ liệu của người dùng khi dữ liệu được gửi lên máy chủ. Tuy nhiên, không có hệ thống nào hoàn toàn an toàn vì máy chủ lưu trữ cũng có thể bị xâm nhập bất hợp pháp.
Người dùng có thể bảo vệ dữ liệu của mình an toàn hơn bằng cách sử dụng các dịch vụ Lưu trữ đám mây có mã hóa zero-knowledge.
Đặc điểm, tính năng các dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất
1. Sync.com
Sync.com là công cụ đứng đầu trong danh sách đề cử dịch vụ lưu trữ tốt nhất 2020. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một dịch vụ Lưu trữ đám mây được tích hợp nhiều tính năng với mức giá rẻ, thì Sync.com chưa hẳn là lựa chọn tối ưu nhất.
Sync.com sử dụng cơ chế mã hóa cực kỳ an toàn: zero-knowledge encryption: ngay cả Sync.com cũng không thể biết được mã hóa của người dùng là gì, chỉ có người chủ của dữ liệu mới có thể truy cập vào file của mình.
Nếu bạn đang tìm kiếm một dịch vụ Lưu trữ đám mây cho phép chia sẻ và đồng bộ hóa file trên nhiều thiết bị, Sync.com là một lựa chọn rất tốt vì có độ bảo mật rất cao. Tuy nhiên, mã hóa mạnh cũng đem đến một số bất cập khi sử dụng, chẳng hạn như khả năng chia sẻ, cộng tác với người dùng khác thì kém hơn Dropbox.
Tài khoản Sync.com miễn phí giới hạn dung lượng lưu trữ là 5GB – tương đương với mức dung lượng miễn phí mà OneDrive và Amazon Drive cung cấp. Tài khoản Pro Solo Basic có mức phí $8/tháng cung cấp dung lượng lưu trữ lên đến 2TB.
Nói chung, Sync.com là nhà cung cấp dịch vụ Lưu trữ trực tuyến rất tốt với mức giá hợp lý. Sync.com tương thích hoàn toàn với Windows 10 và MacOS (thậm chí còn thuộc top công cụ Lưu trữ đám mây tốt nhất cho hệ điều hành MacOS).
Ưu điểm
- Dịch vụ lưu trữ rất ổn định.
- Bảo mật cao.
- Dễ sử dụng.
Nhược điểm
- Thiếu tính năng cộng tác file với người dùng khác.
2. pCloud
PCloud có một số tính năng độc đáo giúp công cụ Lưu trữ đám mây này trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với Google hay Microsoft.
PCloud là nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ hiếm hoi có cung cấp gói đăng ký lưu trữ trực tuyến trả tiền một lần dùng mãi mãi (lifetime), giúp người dùng tiết kiệm rất nhiều chi phí. Hiện có 2 gói đăng ký lifetime: 500GB và 2TB. Bạn có thể xem chi tiết tại đây: https://www.pcloud.com/lifetime/
Bên cạnh đó, pCloud cũng là một lựa chọn tốt cho những người yêu âm nhạc với tính năng phát audio: cho phép bạn nghe nhạc từ bên trong giao diện website của tài khoản Pcloud hoặc qua ứng dụng pCloud trên smartphone với các tính năng tạo danh sách phát, nghe ngẫu nhiên và lặp lại bài hát hoặc album.
Việc đồng bộ hóa và chia sẻ file cũng rất dễ dàng với pCloud, công cụ này thậm chí còn có tốc độ đồng bộ nhanh hơn Sync.com. pCloud tạo ra một ổ đĩa ảo cho phép người dùng đồng bộ hóa các file của mình mà không tốn dung lượng trên ổ cứng.
pCloud không cung cấp mã hóa zero-knowledge miễn phí – đây là một nhược điểm so với Sync.com. Người dùng sẽ phải trả $3,99/tháng nếu muốn các file lưu trữ của mình được mã hoá zero-knowledge (được gọi là pCloud Crypto).
Ưu điểm:
- Tính năng tốt.
- Người dùng được tự do lựa chọn mức độ mã hóa.
- Ổ đĩa ảo thông minh.
Nhược điểm:
- Mã hóa Zero-knowledge không miễn phí.
- Chỉ máy chủ ở Mỹ.
3. Tresorit
Ngay từ chính cái tên “Tresorit” (nghĩa là “an toàn” hoặc “hầm trú ẩn” trong tiếng Đức) đã thể hiện ưu thế vượt trội của nhà cung cấp này về khả năng bảo mật. Tresorit chính là một trong những đề xuất hàng đầu trong danh mục các dịch vụ Lưu trữ đám mây có độ bảo mật cao.
Tresorit có chính sách bảo mật cực kỳ rõ ràng, giải thích chi tiết về cách bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng. Khi đăng ký gói Tresorit Business và Enterprise bạn có thể được quyền chọn vị trí máy chủ lưu trữ dữ liệu ở Ireland, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Thụy Sĩ và Pháp. Điều này đảm bảo dữ liệu lưu trữ của doanh nghiệp sẽ an toàn toàn hơn nhiều khi phù hợp với các quy định pháp lý về an toàn lưu trữ và bảo mật dữ liệu ở các quốc gia cụ thể.
Tresorit sử dụng một hệ thống đồng bộ hóa hơi khác so với các công cụ Lưu trữ đám mây ở trên, cho phép người dùng tạo các thư mục gốc được mã hóa có tên là tresors để lưu trữ các nhóm file.
Người dùng cũng có thể chia sẻ tresors với người khác cũng như kiểm soát những file và thư mục mà người dùng khác có thể truy cập. Mặc định các tresors được đồng bộ trực tuyến, tuy nhiên người dùng vẫn có thể cài đặt đồng bộ hoá tự động nếu cần.
Ưu điểm:
- Bảo mật tốt.
- Máy chủ có trụ sở tại Thụy Sĩ và nhiều nước khác.
- Được lựa chọn vị trí máy chủ lưu trữ dữ liệu (chỉ dành cho gói Doanh nghiệp).
Nhược điểm:
- Chi phí khá cao.
- Thiếu tính năng cộng tác.
4. Icedrive
Icedrive là một “tân binh” trong lĩnh vực Lưu trữ đám mây và chỉ mới xuất hiện từ năm 2019. Tuy nhiên, công cụ này đã tạo nên một làn sóng cạnh tranh với những tính năng thú vị đi kèm với mức giá lý tưởng.
Một trong những khác biệt lớn nhất so với các dịch vụ Lưu trữ đám mây trong danh sách này là Icedrive không sử dụng mã hóa AES 256-bit theo tiêu chuẩn công nghiệp. Thay vào đó, công cụ này sử dụng một thuật toán gọi là Twofish – được xem là một trong những phương pháp mã hoá an toàn nhất và được NSA hỗ trợ.
Ưu điểm:
- Sử dụng thuật toán Twofish có độ bảo mật rất cao.
- Có hỗ trợ mã hóa Zero-knowledge.
- Có thể xem trước các tập tin được mã hóa.
Nhược điểm:
- Mã hoá Zero-knowledge không miễn phí.
- Có ít gói đăng ký.
5. OneDrive
Microsoft là một ông lớn trong lĩnh vực điện toán đám mây. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi OneDrive lại được tích hợp với rất nhiều các tiện ích khác của Microsoft như Office, Windows hay của một bên thứ ba.
Onedrive tích hợp chặt chẽ với Office – hay nói đúng hơn sự kết hợp các dịch vụ của Microsoft Office và OneDrive là ưu điểm lớn nhất của OneDrive. Khi đăng ký Microsoft 365 Personal (trước đây là Office 365) người dùng có ngay 1TB dung lượng lưu trữ OneDrive cùng với quyền truy cập vào các phiên bản ứng dụng Office như Word, Excel, Outlook và PowerPoint.
Với các tiện ích từ Office, người dùng có thể chia sẻ bất kỳ tài liệu nào được lưu trữ trên đám mây với nhiều người khác, và có thể cùng nhau làm việc trên các tài liệu này trong thời gian thực. Mọi thay đổi sẽ được hiển thị ngay lập tức trên màn hình văn bản cộng tác và được nhìn thấy bởi tất cả những người đang truy cập tài liệu (khá giống Google Docs). Các thay đổi này được lưu tự động vào đám mây.
Một nhược điểm lớn của OneDrive là dịch vụ này không có mã hóa zero-knowledge, vì vậy thông tin của người dùng sẽ được hiển thị cho Microsoft và bất kỳ ai khác có quyền truy cập vào máy chủ của Microsoft.
Ưu điểm:
- Tính năng cộng tác tuyệt vời.
- Tích hợp với ứng dụng Office.
- Gói Microsoft Family 365 tiện lợi và kinh tế (tiết kiệm hơn).
Nhược điểm:
- Không có mã hóa zero-knowledge.
- Giới hạn dung lượng lưu trữ 1TB/mỗi người.
6. Google Drive
Nếu bạn muốn có trải nghiệm tương tự như OneDrive, Google Drive là một lựa chọn hoàn hảo. Giống như dịch vụ của Microsoft, Google cung cấp dịch vụ lưu trữ tích hợp với bộ ứng dụng văn phòng của riêng họ (có thể thay thế được bộ công cụ văn phòng Microsoft Office).
Người dùng có thể cộng tác file trong thời gian thực bằng Google Docs với các tính năng nhận xét, chỉnh sửa nếu được chính người chủ của file đó cấp quyền.
Cộng tác và chia sẻ file là những tính năng tuyệt vời giúp Google Drive trở thành lựa chọn hàng đầu trong thị trường Lưu trữ đám mây trực tuyến. Nếu bạn có tài khoản Gmail, bạn bạn mặc định được cung cấp 15GB dung lượng lưu trữ Google Drive miễn phí. Nếu bạn muốn mở rộng giới hạn dung lượng lưu trữ, thì chi phí phải bỏ ra cũng không quá đắt đỏ.
Tương tự như OneDrive, nhược điểm của Google Drive cũng là không có mã hóa zero-knowledge. Do đó, người dùng sẽ cần cân nhắc xem có sẵn sàng từ bỏ một số quyền riêng tư để sử dụng các tính năng hữu ích mà Google cung cấp hay không. (Mình cho rằng tất cả các file mà bạn upload lên Google Drive đều sẽ bị Google “đọc kĩ”, đó là lý do vì sao khi chia sẻ file mình ít khi upload lên Gdrive vì rất nhanh “die”, mà các bạn biết đấy upload hàng mấy chục GB thì khá tốn thời gian. Hiện tại mình đang dùng Mega.nz và thấy khá ổn).
Ưu điểm:
- Công cụ cộng tác tuyệt vời.
- Ứng dụng tích hợp đa dạng.
- Dung lượng lưu trữ miễn phí lớn.
Nhược điểm:
- Không có mã hóa zero-knowledge.
- Chưa tối ưu hoá dịch vụ bảo mật.
7. MEGA
Nếu bạn lo ngại về quyền riêng tư khi sử dụng dịch vụ Lưu trữ đám mây của Google, MEGA là một lựa chọn thích hợp để thay thế với mã hóa zero-knowledge tiêu chuẩn tuyệt đối. Khi sử dụng MEGA, không có ai ngoài chính bạn mới có quyền truy cập vào các file của mình.
MEGA là một lựa chọn tốt cho người dùng muốn dùng dịch vụ Lưu trữ đám mây có dung lượng miễn phí lớn: 50GB. Để có được nhiều dung lượng lưu trữ hơn, bạn phải hoàn thành nhiều yêu cầu khác như cài đặt phần mềm Megasync lên máy tính, điện thoại di động. Cần lưu ý là dung lượng mở rộng bị giới hạn sử dụng trong 180 ngày.
Tuy nhiên, MEGA cho tốc độ download không quá tốt, thường xuyên vượt băng thông download. Để khắc phục tình trạng này bạn có xem thủ thuật được chia sẻ ở bài viết: Mỗi ngày một thủ thuật – chia sẻ tài khoản premium, thủ thuật đăng ký,…
Ưu điểm:
- Mã hóa zero-knowledge.
- Không có máy chủ ở Mỹ.
- Dung lượng lưu trữ miễn phí lớn.
Nhược điểm:
- Giới hạn thời gian lưu trữ.
8. Koofr
Koofr là một nhà cung cấp dịch vụ Lưu trữ đám mây với một số tính năng khác biệt với các nhà cung cấp khác. Một trong những điều đặc biệt nhất của Koofr là khả năng liên kết với các dịch vụ lưu trữ đám mây khác như Dropbox, OneDrive và Google Drive.
Khi bạn đã kết nối tài khoản Koofr với các dịch vụ lưu trữ khác (hiện tại mình thấy đang hỗ trợ OneDrive và Google Drive), bạn có thể tìm kiếm và truy cập tất cả các file ở các dịch vụ lưu trữ đám mây đó, đồng thời có thể di chuyển và sao chép file qua lại giữa các dịch vụ lưu trữ đám mây được liên kết. Ví dụ: bạn có thể sao chép 1 file từ OneDrive sang Google Drive ngay bên trong ứng dụng tài khoản Koofr (khá giống Multi Cloud Transfer-multcloud.com).
Bất kỳ file nào được lưu trữ trong các tài khoản đám mây khác đều không được tính vào dung lượng lưu trữ Koofr.
Một tính năng rất hữu ích khác là khả năng thiết lập ổ đĩa mạng ảo cho tất cả các file của người dùng từ Windows File Manager.
Ưu điểm:
- Liên kết đến các tài khoản Lưu trữ đám mây khác.
- Tạo ổ đĩa ảo lưu trữ.
- Không có máy chủ ở Mỹ.
Nhược điểm:
- Không sử dụng mã hóa zero-knowledge.
- Chi phí khá cao.
9. Dropbox
Dropbox có thể không phải là dịch vụ lưu trữ đám mây hàng đầu, nhưng đây là dịch vụ đầu tiên thực sự làm tốt nhất mục đích chính của Lưu trữ đám mây. Một trong những lý do khiến Dropbox vẫn rất phổ biến là khả năng đồng bộ nhanh và tính năng cộng tác tuyệt vời ở gói đăng ký Dropbox Business.
Nếu OneDrive tích hợp với Microsoft Office và Google Drive tích hợp với các ứng dụng văn phòng của Google thì Dropbox lại cho phép cộng tác làm việc trên cả hai bộ ứng dụng dụng văn phòng trực tuyến của Microsoft và Google.
Smart Sync của Dropbox: Dropbox cho phép người dùng cài đặt tính năng lưu trữ cho tất cả các file và thư mục dưới dạng: lưu trữ cục bộ hoặc chỉ lưu trữ trực tuyến. Các tệp lưu trữ trực tuyến vẫn hiển thị trong thư mục Dropbox trên thiết bị của người dùng nhưng chúng không chiếm bất kỳ dung lượng nào (mình thấy rất giống với tính năng Files On-Demand của Onedrive).
Mặc dù chi phí cao và thiếu mã hóa zero, nhưng đối với nhiều người dùng Dropbox vẫn là một lựa chọn tốt, đặc biệt là tính năng Smart Sync. Định hướng của Dropbox chính là ưu tiên các cho các nhu cầu cộng tác.
Một tính năng nổi bật nữa của Dropbox là khả năng phục hồi file sau khi thay đổi. Dropbox sẽ lưu lại lịch sử sửa đổi file. Khi cần phục hồi về phiên bản file lúc trước, bạn chỉ cần click vào nút menu trên file cần phục hồi. Chọn tiếp Version History, Dropbox sẽ hiển thị danh sách các phiên bản file lúc trước, thời gian bị chỉnh sửa. Bạn chọn phiên bản phục hồi mình cần sau đó ấn vào nút Restore để phục hồi lại phiên bản đó.
Tính năng này gần đây cũng đã được hỗ trợ trên Google Docs.
Sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến khả năng đồng bộ cực kỳ nhanh của Dropbox: do sử dụng cơ chế đồng bộ hóa Delta. Nói một cách dễ hiểu: dịch vụ này chỉ đồng bộ ở phần bị file bị thay đổi, chứ không đồng bộ lại toàn bộ file từ đầu đến cuối như các dịch vụ khác. Do đó tiết kiệm khá nhiều thời gian upload file của bạn. Chi tiết bạn có thể xem tại đây: https://help.dropbox.com/installs-integrations/sync-uploads/upload-entire-file
Ưu điểm:
- Liên kết với cả Office & Google.
- Tính năng Smart Sync.
- Không có máy chủ tại Mỹ.
Nhược điểm:
- Không có mã hóa zero-knowledge.
- Chi phí không rẻ.
- Không hoàn toàn riêng tư.
10. Woelkli
Woelkli là cái tên khá khó đọc, khó nhớ nhưng lại là dịch vụ lưu trữ rất chất lượng về bảo mật. Nhà cung cấp này khắc phục được hai nhược điểm phổ biến của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ bên trên, đó là vừa có tính bảo mật cao, vừa dễ dàng cộng tác chia sẻ.
Woelkli sử dụng mã hóa zero-knowledge, vì vậy người dùng có thể hoàn toàn yên tâm rằng mình là người duy nhất có quyền truy cập vào thông tin và dữ liệu.
Như mình đã nói ở trên, điều làm nên sự khác biệt của Woelkli là dù nền tảng này có sử dụng mã hóa zero-knowledge nhưng vẫn cung cấp tính năng cộng tác chia sẻ file qua việc tích hợp với Collabra Online và OnlyScript, cho phép người dùng tạo và chỉnh sửa file ở các định dạng tài liệu phổ biến như DOCX, XLSX và PPTX.
Bên cạnh đó, Woelkli có ứng dụng email được mã hóa riêng để bảo mật email của người dùng (như Protonmail). Tuy nhiên, để sử dụng tính năng này, bạn cần phải đăng ký các gói trả phí, với các gói trả phí trên $300/năm bạn sẽ có 10GB dung lượng lưu trữ.
Woelkli là một dịch vụ lưu trữ chủ yếu dành cho doanh nghiệp và những người sẵn sàng trả phí cao để vừa có thể cộng tác làm việc vừa giữ an toàn cho dữ liệu.
Ưu điểm:
- Mã hóa zero-knowledge.
- Máy chủ ở Thụy Sĩ.
- Tính năng cộng tác an toàn.
Nhược điểm:
- Chi phí cao.
Câu hỏi thường gặp
1. Dịch vụ Lưu trữ Ảnh miễn phí tốt nhất
Dịch vụ lưu trữ ảnh trực tuyến tốt nhất là Amazon Photos với dung lượng lưu trữ không giới hạn và tính năng tự động upload ảnh từ thiết bị di động của người dùng.
2. Dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất dành cho cá nhân
Sync.com là nhà cung cấp lưu trữ đám mây dành cho cá nhân hoàn hảo với chi phí rẻ, bảo mật cao.
3. Dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất cho doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp, Sync.com, pCloud hoặc Tresorit là lựa chọn tối ưu với tính năng mã hóa zero-knowledge, vị trí đặt máy chủ lưu trữ và tính năng cộng tác tài liệu.
4. Dịch vụ Lưu trữ đám mây tốt nhất cho iOS và Android
Google Drive đứng đầu danh sách công cụ lưu trữ đám mây tốt nhất cho Android, còn đối với iPhone là Sync.com.
5. Dịch vụ Lưu trữ đám mây miễn phí tốt nhất
pCloud là lựa chọn hàng đầu trong danh sách dịch vụ Lưu trữ đám mây miễn phí. Bên cạnh đó, Koofr cũng là một lựa chọn tốt khi cho phép người dùng liên kết với nhiều nhà cung cấp miễn phí khác (chỉ cần một sử dụng một tài khoản Koofr bạn có thể truy cập vào Onedrive, Google Drive và copy dữ liệu qua lại giữa các tài khoản này một cách dễ dàng, khá giống với cách làm của các ứng dụng như Mountain Duck, Expandrive, NetDrive,..)
6. Thủ thuật vừa sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây có tính năng cộng tác file tốt vừa an toàn tuyệt đối:
Trước khi upload lên OneDrive, Google Drive, Dropbox bạn có thể sử dụng các công cụ mã hóa như CryptSync, Boxcryptor. Điều này đảm bảo rằng ngay cả Google, Microsoft cũng bó tay khi truy cập nội dung dữ liệu bạn. Tuy nhiên, sẽ tốn thời gian của bạn hơn và tốn cả dung lượng ổ cứng máy tính: bạn cần thêm dung lượng để chứa các file đã mã hóa, sau đó upload file này lên dịch vụ lưu trữ đám mây. Khi tải về sử dụng, bạn cũng sẽ tốn một khoản thời gian để giải mã.
Tóm lại: cách làm này an toàn nhưng tốn khá nhiều thời gian và không thích hợp cho người dùng phổ thông.
Kết luận
Sync.com, pCloud và Tresorit là những lựa chọn phù hợp nếu cần bảo mật riêng tư cho dữ liệu lưu trên máy chủ trực tuyến. Nhưng nếu bạn quan tâm hơn đến việc cộng tác, chia sẻ tài liệu thì các ông lớn như Dropbox, Google Drive hoặc OneDrive là lựa chọn tốt hơn.
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- 37 mẹo thuyết trình PowerPoint hiệu quả
- Tại sao Facebook không có mục Video FB Watch? Cách bật Watch
- Tổng hợp cách để tạo nên bức ảnh Instagram ấn tượng – Download.vn
- Lỗi UniKey không gõ được tiếng Việt – Nguyên nhân, cách khắc phục – Thegioididong.com
- Mẹo chụp ảnh đẹp trên Instagram – Cách thu hút nhiều Like trên Instagram